Phần mềm quản trị thư viện tích hợp mã nguồn mở Koha cho hệ thống thư viện Việt Nam (phần 1)

16/07/2014

Tóm tắt: Trong khoảng 10 năm qua, hệ thống phần mềm quản trị thư viện tích hợp (integrated library system) do các công ty phần mềm trong và ngoài nước cung cấp (sản phẩm thương mại) đã được ứng dụng triển khai và đem lại lợi ích thiết thực cho việc quản lý tài nguyên, tự động hóa các qui trình nghiệp vụ của thư viện tại Việt Nam. Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet và các hình thức trao đổi thông tin, liên lạc trong thế giới phẳng hiện nay đã tạo điều kiện mạnh mẽ cho việc hình thành và phát triển các hệ thống phần mềm quản trị thư viện tích hợp mã nguồn mở, được đóng góp bởi cộng đồng thư viện và công nghệ thông tin trên toàn thế giới. Trong số đó, Koha là phần mềm quản trị thư viện mã nguồn mở đầu tiên và đang được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới. Các lợi thế về tiêu chuẩn, tính năng, tính dễ sử dụng/khai thác, chi phí triển khai của Koha rất phù hợp với hệ thống thư viện tại Việt Nam, điều đó mang lại cho các thư viện một lựa chọn khả thi khác bên cạnh các phần mềm thương mại hiện hành.

Phần mềm thư viện

Hệ thống Thư viện Việt Nam đã và đang phát triển song song cùng với sự phát triển của đất nước cũng như trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng chặt chẽ và sâu rộng. Từ việc phát triển nhanh nhưng thiếu thống nhất về tổ chức, về văn bản pháp quy, về các tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của những năm trước thế kỷ 21, ngành thư viện Việt Nam cho đến nay đã đưa ra và thống nhất các yêu cầu tiêu chuẩn nghiệp vụ dựa trên các chuẩn quốc tế về thư viện như khổ mẫu MARC21, qui tắc biên mục AACR2, khung phân loại DDC vvv… [1].

Việc áp dụng các chuẩn nghiệp vụ thư viện quốc tế vào hệ thống thư viện Việt Nam đã tạo tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện(CNTT), cụ thể là việc sử dụng các phần mềm thư viện (PMTV) trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Các PMTV quốc tế như Virtua (VTLS), Millennium (Innovative Interface), Aleph (Ex Libris) đã được sử dụng tại các thư viện ở Việt Nam, điều mà trước đây không thể thực hiện được. Ngoài ra, các công ty phần mềm trong nước cũng đã xây dựng hệ thống PMTV mang thương hiệu của riêng mình, tiêu biểu là Libol (Tinh Vân), iLib (CMC), Vebrary (Lạc Việt).

Trải qua hơn 10 năm kể từ ngày hệ thống PMTV đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, cho đến nay đa phần các thư viện có quy mô vừa và lớn của của các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm học liệu vùng, các thư viện công cộng, các viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước đã được cài đặt và ứng dụng PMTV ở các mức độ khác nhau. Các thư viện có quy mô nhỏ hơn như các thư viện quận, huyện, các thư viện của các trường Phổ thông trung học, Phổ thông cơ sở vvv… do các khó khăn về tài chính, nguồn lực chưa triển khai được PMTV.

Chúng ta có thể khẳng định rằng PMTV đã đem lại các lợi ích thiết thực, làm thay đổi cơ bản diện mạo hệ thống thư viện tại Việt Nam. Thông qua PMTV, thư viện đã tự động hóa được qui trình nghiệp vụ, quản lý tài nguyên để tăng năng suất hoạt động và nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc. PMTV cũng là công cụ quan trọng để các thư viện thực hành áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về nghiệp vụ thư viện. Do vậy, tính năng và cấu trúc dữ liệu của PMTV đóng vai trò xương sống trong việc giúp thư viện vận hành theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Tại Việt Nam, PMTV có thể chia làm 02 loại:

-          PMTV của các công ty PM Việt Nam

-          PMTV của các công ty PM nước ngoài

 

Bảng 1 đưa ra các đánh giá tổng thể về 02 loại PM này:

Bảng 1. So sánh PMTV của công ty phần mềm trong nước và của công ty phần mềm nước ngoài

 

 

PMTV

của các công ty PM Việt Nam

PMTV

của các công ty PM nước ngoài

Chủng loại

PM thương mại có bản quyền

PM thương mại có bản quyền

Phân hệ, tính năng

Đầy đủ các phân hệ, tính năng: OPAC, Bổ sung, Biên mục, Lưu thông, Quản lý Ấn phẩm định kỳ, Báo cáo thống kê

Đầy đủ các phân hệ, tính năng: OPAC, Bổ sung, Biên mục, Lưu thông, Quản lý Ấn phẩm định kỳ, Báo cáo thống kê

Tiêu chuẩn hỗ trợ

Hỗ trợ một phần MARC21, AACR2, DDC và các tiêu chuẩn quốc tế về thư viện

Hỗ trợ hoàn toàn MARC21, AACR2, DDC và các tiêu chuẩn quốc tế về thư viện

Khả năng hoạt động với số lượng biểu ghi lớn

Chưa được kiểm chứng hoạt động tốt với thư viện có trên 1 triệu biểu ghi

Đáp ứng hoạt động cho các thư viện có trên 5 triệu biểu ghi

Khả năng liên kết qua cổng Z39.50

Hỗ trợ một phần

Hỗ trợ hoàn toàn

Khả năng liên thư viện với các PMTV khác

Không hỗ trợ

Hỗ trợ

Khả năng tùy biến cấu trúc, tính năng của phần mềm

Hỗ trợ tùy biến theo yêu cầu của thư viện

Không cho phép thay đổi cấu trúc, rất hạn chế thay đổi tính năng để đảm bảo tính nhất quán, ổn định của hệ thống

Khả năng đáp ứng nhu cầu của thư viện Việt Nam hiện tại

Đáp ứng

Đáp ứng

Khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của thư viện Việt Nam trong tương lại

Chưa được kiểm chứng

Đáp ứng

Quá trình phát triển

-    Khoảng 10 năm, dựa trên các yêu cầu thực tế của ngành thư viện Việt Nam

-    Được phát triển bởi các công ty phát triển PM đa ngành nghề Việt Nam

-    Trên 30 năm, song hành với yêu cầu và sự phát triển của ngành thư viện thế giới.

-    Được phát triển bởi các công ty PM quốc tế chuyên về thư viện

Tính cập nhật của PM

PM không được cập nhật thường xuyên, thường đi chậm hơn so với xu thế của thế giới

PM được cập nhật hàng năm, song hành với xu thế của thế giới

Nguồn nhân lực phát triển PM

Không ổn định do PM không phải là sản phẩm duy nhất của công ty Việt Nam

Ổn định do công ty chỉ chuyên sâu phát triển phần mềm thư viện

Giá thành triển khai ban đầu

Khoảng vài trăm triệu đồng / thư viện

Trên 2 tỉ đồng / thư viện

Chi phí bảo hành bảo trì hàng năm

Tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá trị ban đầu của sản phẩm

Tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá trị ban đầu của sản phẩm

Bảng phân tích trên đã chỉ ra rằng đứng trên góc độ tiêu chuẩn kỹ thuật, PMTV do các công ty PM nước ngoài đáp ứng hoàn toàn nhu cầu hiện tại và tương lai của thư viện Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí để triển khai và duy trì PM các phần mềm này rất lớn và không phải thư viện nào tại Việt Nam cũng có đủ điều kiện tài chính để thực hiện.

            Ngược lại, PMTV do các công ty PM Việt Nam cung cấp có chi phí thấp hơn (nhưng vẫn cao đối với các thư viện có qui mô nhỏ) nhưng lại gặp các vấn đề liên quan đến tính năng, tiêu chuẩn nghiệp vụ, tính bền vững, tính cập nhật với các tiêu chuẩn và xu thế phát triển của ngành thư viện trên thế giới trong tương lai gần.

 Phần mềm thư viện mã nguồn mở

Có thể nói, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới gặp phải bài toán khó trong việc lựa chọn PMTV phù hợp với chính sách, qui mô, chức năng, nhiệm vụ cũng như khả năng tài chính cho thư viện của mình. Các quốc gia trên thế giới (kể các các quốc gia phát triển) có hệ thống thư viện phát triển trước chúng ta hàng chục năm đã nhận thấy điều này từ lâu. Họ, cùng với các tổ chức và cộng đồng thư viện quốc tế, các trung tâm nghiên cứu, các nhà lập trình viên đam mê lĩnh vực thư viện vvv… đã đưa ra một hướng đi mới: Xây dựng và phát triển Phần mềm thư viện mã nguồn mở (PMTVMNM).

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao việc sử dụng PMTVMNM lại trở thành một xu hướng trên thế giới?

Bởi vì PMTVMNM giống như một món quà tặng và chúng ta không chỉ được miễn phí về giá mua mà còn được miễn phí về bản quyền trên cơ sở giấy phép mã nguồn mở. Chỉ cần có mã nguồn của phần mềm và có quy định về giấy phép PM tự do nguồn mở là người sử dụng có thể tự do sửa đổi, cải tiến, nâng cấp và phát triển chúng mà không cần xin phép ai hay cơ quan tổ chức nào về bản quyền [14]. Đó là điều khác biệt nổi bật so với các phần mềm mã nguồn đóng, hay còn gọi là phần mềm thương mại có bản quyền.

Chính vì vậy, sự hình thành và phát triển của PMTVMNM đã và đang diễn ra một cách tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của cộng đồng thư viện mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, thương mai như các sản phầm khác.

TS. Nguyễn Huy Chương

Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội

>>còn tiếp